Đã đặt chân lên mảnh đất Hà Giang; khách du lịch bắt buộc phải thử 4 đặc sản vốn đã rất nổi tiếng tại mảnh đất nơi đây.
Mục lục
Thắng Cố – Chợ phiên Đồng Văn
Đây là món ăn nghe rất lạ tai và gợi sự tò mò cho du khách đến với Hà Giang. Thực chất, “thắng cố” hay có nơi phát âm là “thoảng cố” là cách đọc của “thang cốt” – có nghĩa là canh hầm. Món ăn này của người dân tộc H’Mong, có từ thời xa xưa, được lưu truyền đến ngày nay và trở thành đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Thắng Cố truyền thống hoàn toàn làm từ thịt ngựa, nhưng để thay đổi khẩu vị và đa dạng trong chế biến, người dân đã biến tấu thành phần có cả thịt bò, trâu hay lợn, gà …
Với mỗi người, mỗi nơi Thắng Cố lại có một khẩu vị khác nhau, một trải nghiệm thưởng thức khác nhau. Tuy nhiên, công bằng mà nói, Thắng Cố truyền thống vẫn là món ăn thơm ngon và chứa cả tinh thần người dân tộc H’Mong trong đó.
Bánh Tam giác mạch
Chắc hẳn du khách ai cũng nghe đến hoa Tam giác mạch rồi, vậy còn bánh Tam giác mạch thì sao nhỉ? Đây là một loại bánh không nên bỏ qua khi du khách đi tour du lịch Hà Giang đâu nhé! Như tên gọi, loại bánh này được làm ra từ hạt hoa tam giác mạch. Thế nên, chỉ có đến Hà Giang và vào tầm tháng 10-12 mùa hoa tam giác mạch, du khách mới có cơ hội thưởng thức loại bánh đặc sắc này. Người ta thu hoạch hạt về rồi tiến hành phơi khô trong vài ngày cho đến khi dễ bóc vỏ.
Sau khi bóc tách người ta lại tiếp tục xay mịn ra để thành bột làm bánh. Bột này sẽ được trộn với bột gạo, đường và nước theo một tỉ lệ nhất định rồi rải ra khuôn. Những chiếc bánh này sẽ được hấp trước khi cho bánh lên nướng đều trên than hoa để mặt bánh xém vàng. Tiêu chuẩn của bánh tam giác mạch là phải mềm, xốp và có vị hăng hăng của hoa tam giác mạch hòa quyện.
Cơm lam Bắc Mê
Cơm lam ống tre từ lâu đã trở thành một món ăn phổ biến vùng dân tộc thiểu số, nhưng phải một lần ăn cơm lam Bắc Mê thì mới thấy bao nhiêu sơn hào hải vị nếm thử vẫn chưa là gì. Người Hà Giang có cách làm cơm lam truyền thống vô cùng hấp dẫn. Họ đãi gạo nếp thật kỹ và ngâm trong nhiều giờ đồng hồ. Sau khi gạo đã nở đủ độ, cho gạo vào từng ống tre non bịt kín bằng lá chuối.
Sau đó, hơ những ống cơm lam trên lửa hoặc than hồng, chú ý phải xoay ống tre đều. Khoảng 1 tiếng sau những ống cơm lam xinh xắn, thơm ngon đã được hoàn thành. Hương vị cơm lam Bắc Mê đặc biệt ở mùi vị; thơm bùi và hòa quyện mùi tre và lá chuối. Người dân ở đây thường ăn kèm với cá suối nướng; hoặc muối vừng, mỗi sự kết hợp lại có một hương vị ngon khác nhau.
Bánh cuốn trứng
Có thể nghe tên, khách đi tour du lịch Hà Giang cũng đoán ra nguyên liệu để làm ra chiếc bánh này rồi đúng không? Bánh cuốn trứng Hà Giang có cách làm tương tự như bánh cuốn miền xuôi; nhưng bổ sung thêm trứng, còn nước chấm thì khác hẳn bánh cuốn dưới xuôi.
Người ta xay bột mịn từ hôm trước rồi thêm nước; để bột lắng hẳn dưới chậu thau thì hôm sau vỏ bánh cuốn mới cứng cáp. Làm bánh cuốn đòi hỏi sự nhanh nhẹn và khéo léo. Sau khi đổ hỗn hợp bột lên bạt tráng và trải đều, người ta đậy vung hấp chín. Tiếp đến, cần nhanh tay cho thêm một quả trứng rồi trả đều mặt bánh. Du khách có thể yêu cầu trứng chín hoặc trứng lòng đào tùy theo khẩu vị cá nhân. Cuối cùng, gấp bánh cuốn lại và cho thêm nhân mộc nhĩ, thịt lợn, hành khô,…
Đúng là 4 đặc sản quá hấp dẫn và đặc biệt của Hà Giang; mà ai khi tới đây cũng phải ít nhất 1 lần nếm thử để biết về mùi vị từng món ăn.
Nguồn: Kynghidongduong.vn