Phương pháp rèn luyện giọng nói

Ở bài viết “Những điều cần biết về tông giọng” đã trình bày được tầm quan trọng của giọng nói đến chất lượng buổi nói chuyện. Cũng như là các vấn đề liên quan đến giọng nói khiến người nói làm mất điểm cộng người đối diện. Các dạng như giọng nói đều đều, giọng nói lầm bầm, giọng nói quá to hoặc quá nhỏ, giọng quá nhanh hoặc quá chậm, giọng quá cao hoặc quá thấp đều là gây trở ngại trong quá trình giao tiếp. Điều quan trọng là sau khi biết được giọng nói của mình như thế nào. Bản thân cần phải có biện pháp rèn luyện giọng nói, làm sao để có được một giọng nói có sức nặng khiến người nghe cảm thấy hứng thú.

Một số phương pháp điều chỉnh giọng nói

Có rất nhiều phương pháp khác nhau để giúp bản thân mỗi người có thể tự cải thiện giọng nói của mình hay hơn. Sau đây sẽ là một vài ví dụ đơn giản giúp những ai đang muốn thay đổi giọng nói của mình trở nên hấp dẫn hơn.

Hãy để ý đến tư thế khi đang nói

Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến giọng nói của mỗi người là tư thế. Dù ở tư thế nào dù là đứng hay ngồi hay nằm chúng đều tác động đến vùng cổ của chúng ta. Thời nay chúng ta càng có xu hướng chúi đầu về phía trước nhiều hơn. Tư thế này ngăn thanh quản chuyển động thoải mái, khiến giọng nói của bạn không được trơn tru.

Ngoài ra, những tư thế sau cũng ảnh hưởng đến giọng nói:

  • Cong lưng quá mức: Một số người thường có phần lưng dẻo dai hơn. Vì vậy họ thường có xu hướng nâng phần ngực, đẩy vai ra sau và nghiêng xương chậu về phía trước nhiều hơn mức cần thiết. Điều này khiến các phần cơ bắp khác căng hơn, ảnh hưởng đến giọng nói.
  • Căng cứng cổ và họng: Sử dụng phần đầu và cổ quá mức. Đặc biệt là sau khi căng cơ, sẽ tác động lên hơi thở, từ đó ảnh hưởng lên tông giọng của bạn.

Điều chỉnh tốc độ nói 

Tốc độ nói vừa phải thường nằm trong khoảng 120 đến 160 chữ trong một phút. Để xác định tốc độ của mình, bạn có thể thử cách sau:

  • Bước 1: Chọn một đoạn văn
  • Bước 2: Đọc trong 1 phút với tốc độ của bạn và ghi âm lại
  • Bước 3: Đếm số chữ bạn đã đọc được trong 1 phút

Sau khi xác định được tốc độ của mình, bước còn lại là ghi nhớ và luyện tập để điều chỉnh.

Thả lỏng cơ hàm và cổ họng

Đối với những người hay lo lắng hoặc có hội chứng sợ xã hội, phần cổ họng và cơ hàm thường căng cứng khi phải nói chuyện với người khác. Bạn có thể làm dịu phần cơ này bằng cách:

  • Ngáp và thả lỏng toàn bộ cơ hàm. Sau đó, mím môi lại và ngân nga một giai điệu yêu thích. Nhớ là vẫn thả lỏng phần cơ hàm nhé.
  • Xoa bóp phần cơ xung quanh cổ họng để chúng có thể thư giãn.

Lấy hơi từ cơ hoành 

Hơi thở đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết giọng nói. Khi hít thở, hãy sử dụng cả cơ hoành thay vì chỉ sử dụng cổ họng như bình thường. Cách thở đúng nhất diễn ra khi phần bụng căng phồng lên khi hít vào và hạ xuống khi thở ra.

Một số bài tập sử dụng cơ hoành khi hít thở mà bạn có thể thử tại nhà:

  • Mím môi khi cười: Hãy đóng chặt môi và cười thầm qua mũi. Điều này giúp cơ hoành của bạn tham gia hoạt động
  • Thở sâu: Hãy thở ra đến khi bạn hết hơi hoàn toàn, kích hoạt những hơi thở sâu.
  • Đếm hơi thở: Khi thở ra, hãy đếm dần đến 5 rồi tăng lên 10.
  • Giữ hơi thở lại: Sau khi hít vào, giữ hơi thở của mình trong khoảng 15, 20, 30, 45 giây để giúp cơ hoành khoẻ mạnh hơn.
  • Gập người về phía trước: Gập người về phía trước đến ngang hông để đẩy khí ra ngoài một cách tự nhiên.

Thay đổi cao độ

Thay đổi cao độ giọng nói giúp truyền tải thông điệp một cách sống động hơn và khiến người khác chú ý vào nội dung cuộc trò chuyện.

Để điều chỉnh, trước tiên bạn cần xác định được nội dung cần truyền tải để sử dụng tông giọng phù hợp. Chẳng hạn, khi chia sẻ về một chuyến đi vui. Hãy sử dụng tông giọng hơi cao, vui tươi thay vì tông giọng thấp.

Phát âm rõ ràng 

Phương pháp luyện giọng nói
Phương pháp luyện giọng nói

Cảm giác lo lắng thường khiến chúng ta vô thức đóng khẩu hình và nói nhỏ lại để tránh gây sự chú ý. Ngoài việc chuẩn bị nội dung chu đáo trước khi phát biểu. Bạn có thể luyện tập thói quen phát âm bằng cách:

  • Tập đọc to, mở rộng miệng và sử dụng toàn bộ chuyển động của môi.
  • Khi có thời gian rảnh: Tập chu môi rồi mở rộng môi trong 10 lần chậm rồi 10 lần nhanh.

Âm lượng giọng nói 

Những người có giọng nói nhỏ thường dễ bị phớt lờ. Thực tế là việc tăng âm lượng giọng nói đến mức vừa phải giúp bạn tự tin hơn và giảm đi sự lo lắng. Để điều chỉnh âm lượng phù hợp, bạn có thể:

  • Luyện giọng bằng cách ngân âm “A” với âm lượng to dần tới khi đạt mức độ mong muốn.
  • Tập nói chuyện với một người đang đứng ở xa. Chẳng hạn như từ đầu phòng nói với người ở cuối phòng.

Ngoài ra, bạn có thể luyện tập việc nhấn nhá các thông tin quan trọng để khiến chúng nghe sinh động hơn.

Trên đây là một số phương pháp giúp cải thiện giọng nói của mỗi người. Để trở thành một người giao tiếp tốt bạn cần nổ lực rèn luyện rất nhiều. Chúc các bạn thành công.

Nguồn: vietcetera.com